Ô tô điện Việt sẽ bứt phá

Ô tô điện Việt sẽ bứt phá

Ngày 22-1, sau 3 năm đi vào hoạt động, VinFast đã chính thức công bố nghiên cứu phát triển thành công 3 dòng xe điện SUV thông minh đầu tiên là VF31, VF32 và VF33, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, sở hữu tính năng tự hành.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi sang sử dụng ôtô điện thân thiện với môi trường, thay thế cho ôtô sử dụng xăng dầu là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để xu hướng này sớm trở thành hiện thực, Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời, như nhiều quốc gia đang áp dụng.

Ô tô điện tự hành "made in VN"

Thông tin từ VinFast cho biết cả 3 dòng xe đều sở hữu tính năng tự hành cấp độ 2-3, với 30 tính năng thông minh chia làm 7 nhóm gồm: hệ thống trợ lái thông minh, hệ thống kiểm soát làn thích ứng, hệ thống kiểm soát hành trình chủ động, hệ thống cảnh báo va chạm đa điểm, hệ thống giảm thiểu va chạm toàn diện, hệ thống đỗ xe tự động thông minh và hệ thống giám sát người lái.

Đây cũng là các mẫu SUV nằm trong nhóm ít các xe trên thế giới có nhiều tính năng tự hành cấp độ 3, khẳng định năng lực R&D và năng lực triển khai các sản phẩm đẳng cấp cao, mang tính tiên phong của VinFast.

Đặc biệt, bản cao cấp của VF31, VF32 và VF33 đều sở hữu hệ thống cảm biến hiệu suất cao gồm cảm biến LiDAR; 14 camera có khả năng phát hiện vật thể cách xa tới 687m; 19 cảm biến 360 độ cho phép cảnh báo và xử lý ở tốc độ cao trên 100km/h. Hệ thống tự lái được điều khiển bởi chip Orin-X có thể xử lý tới 200 GB dữ liệu/s, cho phép điều khiển và dẫn đường nhanh gấp 8 lần so với các thế hệ hiện tại.

Xe điện VinFast VF33

Ngoài ra, bản cao cấp của cả 3 dòng xe đều được trang bị thêm một số tính năng tự hành cấp độ 4 như tự động thiết lập bản đồ 3 chiều (duy nhất trên thị trường), tự động tìm chỗ và đỗ xe; triệu hồi xe... cùng khả năng kết nối với hệ thống giao thông và đô thị thông minh, mang đến trải nghiệm tiện nghi, an toàn và đẳng cấp cho người dùng.

Cả ba dòng xe đều đạt các tiêu chuẩn an toàn cao nhất của thế giới như NHTSA 5 sao, Euro NCAP 5 sao... cùng hệ thống tự động phát hiện, cảnh báo và thông báo tới cơ sở y tế trong trường hợp xảy ra sự cố.

Dự kiến xe VF31 phiên bản tiêu chuẩn sẽ bắt đầu nhận đặt hàng tại VN từ tháng 5-2021, bàn giao xe từ tháng 11-2021. Xe VF32 và VF33 sẽ nhận đặt hàng từ tháng 9-2021, bàn giao xe từ tháng 2-2022. Tại thị trường Mỹ, Canada và châu Âu sẽ nhận đặt hàng từ tháng 11-2021, bàn giao xe từ tháng 6-2022.

Cần cơ chế hỗ trợ thúc đẩy xe điện

Dù thừa nhận xe điện là xu hướng tất yếu trong thời gian tới nhưng chuyên gia ôtô cho rằng sẽ gặp nhiều khó khăn để thay đổi thị trường nếu thiếu chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Viện cơ khí động học ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng bắt kịp trước xu hướng xe điện đang phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là chưa có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để kích thích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất xe điện, hybrid.

Theo ông Phúc, các nước trên thế giới rất chú trọng, đặt lộ trình bài bản để phát triển xe điện bằng rất nhiều hỗ trợ khác nhau như chính sách thuế. Chẳng hạn, Thái Lan, Indonesia, Philippines... đã có lộ trình cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển xe điện, giảm thuế khi mua xe. 

Bang California (Mỹ) dành riêng làn xe ưu tiên cho dòng xe điện, xe hybrid để không tắc đường. "Có thể thấy rằng mỗi nước có cách hỗ trợ riêng đối với xe điện để kích thích người tiêu dùng, nhà đầu tư hứng thú vào sản xuất xe điện" - ông Phúc nói.

Một chuyên gia cũng cho rằng trên thế giới có sự chuyển đổi trực tiếp từ ôtô xăng sang ôtô điện, xe hybrid. Do vậy, đối với Việt Nam nên có giải pháp chuyển đổi làm bước đệm để người dân quen dần với xe điện, kích thích nhà đầu tư, sản xuất với giá xe rẻ hơn. 

"Để làm được điều này cần có những chính sách hỗ trợ kích thích "mồi" để doanh nghiệp tham gia sản xuất. Nếu không bắt tay thực hiện ngay bây giờ sẽ không biết khi nào mới có xe điện chạy ở Việt Nam" - vị này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Audi VN thừa nhận để phát triển được xe điện tại Việt Nam trước tiên cần phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi việc triển khai các trạm sạc trên diện rộng không phải là chuyện đơn giản vì chi phí khá cao, thách thức lớn về tài chính với nhà sản xuất. 

"Do đó, một lộ trình thống nhất về việc triển khai hạ tầng sạc trên quy mô toàn quốc, với những quy chuẩn rõ ràng về kỹ thuật là rất cần thiết. Trong đó, các nhà sản xuất cần có sự hợp tác và chia sẻ" - vị này khẳng định.

Nguồn Tuoitre.vn